“Người Việt làm cái cốc giỏi hơn, nhanh hơn cả Tây, nhưng tại sao nó lại hơn mình?”

Đây là câu hỏi đầy tâm tư của một kỹ sư trẻ làm việc tại nước ngoài, khiến không chỉ người dân, mà cả nền giáo dục Việt Nam phải suy nghĩ. Câu chuyện được chia sẻ có nội dung như sau: Có nhiều bạn ở nước ngoài nói

Đây là câu hỏi đầy tâm tư của một kỹ sư trẻ làm việc tại nước ngoài, khiến không chỉ người dân, mà cả nền giáo dục Việt Nam phải suy nghĩ.

Câu chuyện được chia sẻ có nội dung như sau:

Có nhiều bạn ở nước ngoài nói với mình: “Việt Nam mình kỹ sư giỏi hơn Tây. Em làm ở mấy công ty ở bên này, khi được giao một nhiệm vụ gì đó thì các kỹ sư người Việt thường làm rất nhanh, trong khi hội Tây loay hoay tính toán mãi chưa làm được”.

Ví dụ như làm cái cốc thuỷ tinh. Các kỹ sư Việt sẽ lao vào làm rất nhanh. Cái thứ nhất – hơi méo tí nhưng quay sang thấy thằng Tây vẫn loay hoay vẽ với kẻ; xong cái thứ hai – đã tròn hơn nhưng chưa bóng lắm, vẫn thấy nó đang đo với đạc… Đủng đỉnh làm tới cái thứ tư, trong lòng tự hào lắm vì mình ăn đứt được nó. Ai dè ngay trước khi đặt cái cốc thứ 4 đó xuống bàn thì nó mang ra một lúc 100 cái cốc, bóng loáng và tròn vành vạnh.

Rõ ràng mình làm cái cốc giỏi hơn, nhanh hơn nó, vậy tại sao nó lại vượt mình?

Theo FB Namster Do -

Khi đọc câu chuyện trên, chắc hẳn mỗi độc giả sẽ có nhận định khác nhau. Nhưng riêng người viết bài lại cho rằng: kỹ sư Việt của chúng ta không hề thua kém kỹ sư phương Tây. Thậm chí, nếu lạc quan hơn thì người Việt khá nhanh nhạy, sáng tạo và cần cù trong lao động. Bởi vì ngay khi nhận được yêu cầu, kỹ sư người Việt nhanh chóng thiết kế và bắt tay chế tạo sản phẩm luôn. Làm sản phẩm đầu tiên chưa đạt, chúng ta làm tiếp sản phẩm thứ 2, không vừa ý lại làm sản phẩm thứ 3, cứ thế cho đến khi sản phẩm hoàn thiện.

Còn các kỹ sư phương Tây? Họ mất nhiều thời gian nghiên cứu, loay hoay thiết kế, đo đạc kỹ lưỡng và tốn nhiều thời gian để tạo ra một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta khác họ ở chỗ: công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã “ăn sâu” vào máu của các kỹ sư phương Tây và phát triển vượt trội đến mức, khi bắt đầu ý tưởng chế tạo một sản phẩm mới, họ đồng thời thiết kế “khuôn mẫu” để chế tạo sản phẩm số lượng lớn, năng suất cao hơn 100 lần kỹ sư Việt Nam. Nói không ngoa khi các kỹ sư phương Tây đã tự biến mình thành một cỗ máy với độ chính xác và năng suất lao động vượt trội hơn hẳn người Việt.

Nếu như vậy, chẳng lẽ phương Đông chúng ta thua kém các nước phương Tây ư?

Nhớ lại hồi sinh viên, có một ông thầy từng nói thế này mà đến giờ còn nhớ mãi: “Con người chúng ta có được nền văn minh như ngày hôm nay, có máy tính, có internet, bay được cả vào vũ trụ. Tất cả chỉ vì một điều: con người là loài động vật duy nhất tạo được ra công cụ để làm việc”.

Nên nhớ rằng, hầu hết các nền văn minh, những phát minh tạo ra bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển của nhân loại đều có nguồn gốc từ phương Đông. Thuốc súng, la bàn, làm giấy, nghề in… thậm chí, tàu lượn – tiền thân của máy bay ngày nay – cũng là một sản phẩm của phương Đông. Riêng người Việt Nam ở khắp thế giới cũng có nhiều phát minh rạng danh với thế giới, như xe lăn điều khiển thông qua ý nghĩ của con người, phát minh giúp người già không cần đeo kính, đồng phát minh ra máy ATM, bộ tiết kiệm xăng xe máy, chế tàu ngầm từ những vật dụng đơn giản hay kính Mắt Thần cho người khiếm thị…

Thực ra, vấn đề lớn nhất đối với các kỹ sư người Việt chính là: chúng ta chưa được học cách chế tạo ra những cỗ máy sản xuất công suất lớn, chúng ta phát minh nhiều nhưng chính phương Tây lại là người hoàn thiện và đưa sản phẩm đó lên tầm cao mới, với năng suất vượt trội hơn rất nhiều.

Đã qua rồi cái thời chúng ta sản xuất từng sản phẩm theo phương pháp thủ công nhỏ lẻ, hình dạng méo mó lại thiếu chính xác mà nên giao lại cho các cỗ máy hiện đại. Thế nhưng, phần lớn kỹ sư Việt chưa được trao kỹ năng cần thiết để chế tạo ra các công cụ giúp hiện thực hóa ý tưởng tạo thành sản phẩm.

Quả thật, trong khi chúng ta đang mải mê với cảm giác làm “cái cốc” giỏi hơn cả Tây, thì họ lại tập trung toàn bộ trí tuệ để làm ra “cái khuôn”. Thế nhưng, nếu chúng ta sáng tạo ra “cái cốc” rồi tập trung làm ra “cái khuôn” thì sao? Để làm được điều này, có lẽ đã đến lúc nền giáo dục chúng ta cần thay đổi. Thay vì dạy học sinh tạo ra các sản phẩm có sẵn, “chạy theo” phương Tây, tại sao không hướng dẫn, gợi mở để các em được khai thác hết tiềm năng sáng tạo, rồi cung cấp “công cụ” cần thiết để chế tạo nên những cỗ máy hiện thực hóa ý tưởng đó?

Thùy Linh



Description

Contact

VNAppMob
Vietnam
+84965235237

Social